Theo đó, thay vì phải nộp, xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú hoặc các giấy tờ, tài liệu về cư trú, khi thực hiện các thủ tục hành chính, Nghị định 104/2022/NĐ-CP bỏ quy định về việc nộp, xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy khi thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công, công dân chỉ cần xuất trình một trong các loại giấy tờ: thẻ căn cước công dân, giấy chứng minh nhân dân, giấy tờ xác nhận thông tin về cư trú, giấy thông báo số định danh cá nhân và thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Kể từ ngày 01/01/2023, sổ hộ khẩu, sổ tạm trú chính thức hết giá trị sử dụng. Để việc triển khai thực hiện có hiệu quả, tạo thuận lợi, giảm phiền hà cho công dân khi thực hiện các thủ tục hành chính hay giao dịch dân sự, người dân có thể sử dụng 01 trong 07 phương thức khai thác, sử dụng thông tin công dân sau đây thay sổ hộ khẩu, sổ tạm trú:
1. Sử dụng thẻ Căn cước công dân gắn chíp điện tử: Thẻ CCCD là giấy tờ pháp lý chứng minh thông tin về cá nhân, nơi thường trú khi thực hiện thủ tục hành chính, giao dịch dân sự. Khi công dân xuất trình thẻ CCCD theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền thì cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền đó không được yêu cầu công dân xuất trình thêm giấy tờ khác chứng nhận các thông tin cá nhân, nơi thường trú.
2. Sử dụng thiết bị đầu đọc mã QRCode: Trên thẻ căn cước công dân có gắn chíp Công dân, cơ quan, tổ chức sử dụng thiết bị đọc QRCode (theo tiêu chuẩn do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành) tích hợp với máy tính hoặc thiết bị di động để đọc thông tin công dân từ mã QRCode trên thẻ căn cước công dân.
3. Sử dụng thiết bị đầu đọc chíp trên thẻ căn cước công dân: Công dân, cơ quan, tổ chức sử dụng thiết bị đọc thông tin trong chíp trên thẻ căn cước công dân đã được kết nối trực tuyến với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để khai thác, sử dụng thông tin về cư trú khi giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công.
4. Tra cứu, khai thác thông tin cá nhân trực tuyến trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư: Cơ quan, tổ chức, cá nhân tra cứu, khai thác thông tin cá nhân qua chức năng của Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh đã được kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư hoặc qua Cổng dịch vụ công quốc gia để khai thác, sử dụng thông tin về cư trú khi giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công.
Khi thực hiện thủ tục hành chính, giao dịch dân sự, người dân có thể khai thác thông tin cá nhân trực tuyến trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư bằng cách:
Bước 1: Công dân truy cập Cổng dịch vụ công theo địa chỉ: https://dichvucong.dancuquocgia.gov.vn.
Bước 2: Đăng nhập tài khoản/ mật khẩu truy cập (bằng tài khoản định danh điện tử trên Cổng dịch vụ công quốc gia hoặc tài khoản dịch vụ công); xác thực nhập mã OTP được hệ thống gửi về điện thoại.
Bước 3: Tại trang chủ, truy cập vào chức năng “Thông tin công dân” và nhập các thông tin theo yêu cầu: Họ tên, số định danh cá nhân, ngày sinh, số điện thoại, mã xác nhận. Sau đó, nhấn Tìm kiếm.
Thông tin cơ bản của công dân sẽ hiện thị trên màn hình gồm: (1) Họ, chữ đệm và tên khai sinh; (2) Ngày, tháng, năm sinh; (3) Giới tính; (4) Nơi đăng ký khai sinh; (5) Quê quán; (6) Nơi thường trú; (7) Số định danh cá nhân; (8) Số chứng minh nhân dân; (9) Thông tin chủ hộ và thành viên trong hộ.
5. Sử dụng ứng dụng VNeID: Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thể tra cứu thông tin cá nhân thông qua tài khoản định danh điện tử của công dân được hiển thị trong ứng dụng VneID để sử dụng thông tin về cư trú khi thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công, bằng cách:
(1) Tài khoản định danh điện tử mức độ 1 (sử dụng để thực hiện Dịch vụ công trực tuyến)
Bước 1: Tải ứng dụng VNeID qua AppStore hoặc CHPlay.
Bước 2: Chọn vào mục đăng ký tài khoản ở góc phải màn hình và điền các thông tin theo yêu cầu gồm họ tên và số điện thoại, sau đó ấn vào mục đăng ký.
Bước 3: Thực hiện quét mã QR trên thẻ Căn cước công dân gắn chip theo yêu cầu của ứng dụng.
Bước 4: Kiểm tra lại thông tin, nếu thông tin đã chính xác nhấn vào nút đăng ký.
Bước 5: Nhập mã OTP và thiết lập mật khẩu, sau đó ấn xác nhận.
Bước 6: Đăng nhập tài khoản ứng dụng bằn số định danh cá nhân và mật khẩu vừa đăng ký, sau đó chọn đăng ký tài khoản định danh mức độ 1.
Bước 7: Nhấn nút “Bắt đầu”, sau đó sử dụng tính năng NFC hoặc quét mã Qrcode của Căn cước công dân gắn chíp và thực hiện theo hướng dẫn khác của hệ thống: chụp ảnh chân dung, kiểm tra thông tin,nhập địa chỉ e-mail. Ấn “đăng ký”.
Bước 8: Kích hoạt tài khoản định danh: nhập số định danh cá nhân và số điện thoại, nhấn “Gửi yêu cầu” sẽ nhận được mã OTP được gửi về điện thoại. Thieetslapaj mã passcode và câu hỏi bảo mật, nhấn “Xác nhận” thì tài khoản định danh đã được thiết lập thành công.
(2) Tài khoản định danh điện tử mức độ 2 (sử dụng Dịch vụ công trực tuyến và tích hợp các giấy tờ khác)
Bước 1: Công dân đến cơ quan Công an đăng ký tài khoản mức 2; thực hiện cài đặt ứng dụng VNeID; thực hiện kích hoạt tài khoản trên thiết bị di động khi nhận được tin nhắn thông báo đăng ký tài khoản thành công theo các bước trong ứng dụng VNeID.
Bước 2: Sau khi được kích hoạt, việc sử dụng tài khoản định danh điện tử như sau: (1) Công dân thực hiện đăng nhập một lần trên cổng dịch vụ công quốc gia (liên thông với cổng dịch vụ công của các Bộ, ngành, địa phương) với tên tài khoản là số định danh cá nhân và mật khẩu để thực hiện các dịch vụ công trực tuyến. Tùy từng dịch vụ công trực tuyến, thông tin của công dân sẽ được điền vào biểu mẫu điện tử (Form), người dân không phải điền và không sửa được thông tin.
6. Sử dụng giấy xác nhận thông tin về cư trú (ban hành kèm theo Thông tư số 56/TT-BCA ngày 15-5-2021 của Bộ Công an): Công dân trực tiếp đến cơ quan đăng ký cư trú trong cả nước không phụ thuộc vào nơi cư trú của công dân để đề nghị cấp giấy xác nhận thông tin về cư trú hoặc gửi yêu cầu xác nhận thông tin về cư trú qua dịch vụ công trực tuyến khi cần thiết (Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công Bộ Công an, Cổng dịch vụ công quản lý cư trú). Cơ quan đăng ký cư trú sẽ cấp giấy xác nhận thông tin về cư trú cho công dân dưới hình thức văn bản hoặc văn bản điện tử theo yêu cầu của công dân.
7. Công dân có thể sử dụng giấy Thông báo số định danh cá nhân và thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để chứng minh thông tin cá nhân, nơi cư trú khi không thể khai thác, sử dụng được thông tin cư trú của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Nguồn: Nghị định 104/2022/nđ-cp ngày 21/12/2022 của Chính Phủ