Thực hiện linh hoạt, hiệu quả mục tiêu vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa phát triển kinh tế, xã hội. Sau khi dịch bệnh được kiểm soát và số ca nhiễm được kéo giảm, Ban chỉ đạo (BCĐ) phòng, chống dịch bệnh Covid-19 xã Thanh Bình tiếp tục vận động Nhân dân đẩy mạnh các biện pháp phòng, chống dịch, tăng gia sản xuất, phát triển kinh tế gia đình. Do ảnh hưởng của dịch bệnh đã làm giá cả các mặt hàng nông sản địa phương xuống thấp, thậm chí không tiêu thụ được, một số hộ kinh doanh, mua bán không hoạt động, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, thu nhập của người dân trên địa bàn.
Nhu cầu cần vốn để phục hồi sản xuất, kinh doanh của hộ dân sau dịch bệnh rất lớn, vốn vay từ các ngân hàng thương mại, cổ phần đòi hỏi điều kiện thủ tục, lãi suất cao…người dân khó tiếp cận. Nắm bắt được nhu cầu và những khó khăn chung của người dân do ảnh hưởng của đại dịch, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 với những quan điểm, mục tiêu, đối tượng, thời gian hỗ trợ được nêu rõ ràng, cụ thể trong Nghị quyết với nhiều chính sách ưu đãi phù hợp với từng nhóm đối tượng, kịp thời triển khai, hỗ trợ người dân từng bước ổn định đời sống.
Được sự quan sự quan tâm, hỗ trợ của Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Vĩnh Long, UBND huyện Vũng Liêm, Ngân hàng chính sách xã hội (CSXH) huyện Vũng Liêm phân bổ nguồn vốn vay giải quyết việc làm (GQVL) về địa phương từng xã. Đặc biệt là sự tranh thủ của các Hội, Đoàn thể nhận ủy thác đã cùng Tổ trưởng tổ Tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) tổ chức rà soát lập danh sách hộ có nhu cầu vay vốn để phục hồi sản xuất, kinh doanh đề nghị về ngân hàng CSXH huyện, UBND huyện theo quy định.
Từ đó, khi có vốn phân bổ của trên về cho xã, các Hội, Đoàn thể đã cùng Trưởng ấp, Tổ trưởng TK&VV các ấp tổ chức bình xét hộ có nhu cầu vay vốn GQVL đúng quy trình. Đến nay, trên địa bàn xã đã có trên 60 hộ vay, số tiền 3,3 tỷ đồng, qua kiểm tra thực tế hộ vay vốn GQVL sử dụng vốn đúng mục đích, hiệu quả kinh tế hộ đã từng bước dần phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh ổn định, góp phần giải quyết việc làm cho hơn 130 lao động tại địa phương.
Lao động địa phương làm việc tại điểm thu mua trái cây
Tiêu biểu như hộ Tạ Thị Cẩm Nhu ấp Thanh Khê vay số tiền 90 triệu đồng mở rộng mặt bằng mua, bán bưởi; hộ Lê Thị Mỹ Linh ấp Lăng vay 80 triệu đồng mở rộng mặt bằng mua, bán sầu riêng; hộ Nguyễn Tông Thoại ấp Thanh Khê vay số tiền 60 triệu đồng mua máy, dụng cụ đóng đồ gỗ; hộ Nguyễn Vũ Sơn ấp Thanh Phong vay 80 triệu đồng, Nguyễn Thanh Hùng ấp Tân Bình vay 80 triệu đồng cải tạo vườn trồng bưởi, sầu riêng; hộ Nguyễn Thị Ngọc Dung ấp Thái Bình vay 50 triệu đồng mua bán tổng hợp…
Và còn rất nhiều hộ vay mua bán nhỏ, lẻ, chăn nuôi, trồng trọt mang lại hiệu quả kinh tế, thu nhập gia đình ổn định từ nguồn vốn vay GQVL, cùng địa phương tăng mức bình quân thu nhập đầu người lên 64.040.000đ vào cuối năm 2022, góp phần nâng chất và giữ vững xã nông thôn mới nâng cao.
Nông dân sử dụng nguồn vốn phát triển kinh tế vườn
Có thể khẳng định rằng, nguồn vốn GQVL từ Ngân hàng CSXH huyện đã kịp thời hỗ trợ người dân do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 phục hồi sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế, đảm bảo đời sống an sinh xã hội trên địa bàn huyện Vũng Liêm nói chung, xã Thanh Bình nói riêng. Hiện trên địa bàn xã còn rất nhiều hộ có nhu cầu vay vốn GQVL, mong được sự tiếp tục quan tâm của UBND huyện, Ngân hàng CSXH huyện Vũng Liêm./.
Nguyễn Thị Nhiên- Hội LHPN xã Thanh Bình